Lễ hội Tháp Bà PoNagar Nha Trang diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch, tại di tích Tháp Bà PoNagar, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Không gian lễ hội đã vượt ra ngoài phạm vi tỉnh Khánh Hòa. Ngoài người dân Khánh Hòa và người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận về tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người dân một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên – Huế, thành phố Hồ Chí Minh… Lễ hội Tháp Bà là nơi hội tụ của các tộc người Kinh, Chăm, Raglai và các cộng đồng tộc người khác ở miền Trung và Tây Nguyên.

 Các hoạt động chính diễn ra trong lễ hội:
 Lễ thay y: Nghi lễ được tiến hành ngày 20 tháng 3 Âm lịch. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Sau đó, các thành viên trong Ban nghi lễ thay xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và thả các cánh hoa có hương thơm (5 loại). Hiện nay, lễ thay y không còn là nghi lễ mà các thiếu nữ trong xóm Bóng thay y Mẫu, thay vào đó là một số phụ nữ lớn tuổi thực hiện. Sau khi tắm tượng xong, Thánh Mẫu được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng.

Các đoàn chuẩn bị hoa quả và lễ dâng cúng Mẫu 

Lễ thả hoa đăng: Nghi lễ diễn ra ngày 20 tháng 3 Âm lịch. Đoàn rước từ tháp xuống xóm Bóng và đến đàn tế lễ bên dòng sông Cái. Cầu siêu xong, các thuyền trên sông đốt nến thả đăng khiến cho một khúc sông trở nên lung linh, huyền ảo.

                                                          Các đoàn dự lễ chuẩn bị thả hoa đăng

Lễ cầu Quốc thái dân an: diễn ra sáng ngày 21 tháng 3 Âm lịch, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa chủ trì lễ cúng. Lễ hoàn kinh, cúng thí thực: Nghi lễ diễn ra trưa ngày 21 tháng 3 Âm lịch.
Dâng lễ Mẫu: Nghi lễ diễn ra giờ Tý ngày 22 tháng 3 Âm lịch để dâng hương lễ Mẫu.
Tế lễ cổ truyền, lễ Khai Diên và lễ Tôn vương: diễn ra ngày 23 tháng 3 Âm lịch, đoàn tế lễ gồm các hào lão và người dân Cù Lao (Xóm Bóng) dâng lễ theo nghi thức cổ truyền; Đoàn Tuồng biểu diễn lễ Khai Diên và Tôn vương ở sân khấu.

Đồng bào Chăm dâng lễ Mẹ xứ sở  

Múa Bóng và Hát văn: Diễn ra trong suốt các ngày lễ hội. Do diện tích trong tháp nhỏ, hẹp nên hạn chế số người vào tháp, các thành viên còn lại của đoàn đứng hầu lễ Mẫu ở sân tháp Chính. Sau đó các đoàn biểu diễn múa Bóng và hát Văn ở sân khấu trước Mandapa. Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những buổi biểu diễn các tích tuồng cổ liên quan đến Thiên Y A Na Thánh Mẫu … luôn thu hút bà con nhân dân đến xem trong suốt dịp lễ hội.

Múa bóng ở lễ hội Tháp Bà Pô Nagar

Tất cả những hoạt động diễn ra trong lễ hội ở di tích tháp Bà Pô Nagar với không khí trang nghiêm, thể hiện tấm lòng thành kính, cùng không khí nhộn nhịp và hồ hởi càng làm tăng “tính thiêng” cho lễ hội tháp Bà PoNagar Nha Trang – Khánh Hòa.

 Giá trị của di sản văn hóa
Lễ hội Tháp Bà PoNagar là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc trên dải đất miền Trung. Lễ hội là hoạt động góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Những nghi lễ, vật phẩm thờ cúng, trang phục truyền thống, điệu múa Bóng, vở tuồng cổ… được tái hiện trong lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Mạch nguồn văn hóa tự chảy và ngấm dần qua các thế hệ mà không bị mai một theo thời gian.

Chính nhờ tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu đã thấm sâu và chảy mãi trong dân gian nên đã có sức sống lâu bền trong đời sống tâm linh của người dân. Vì vậy, hàng năm những ngày diễn ra lễ hội bà con nhân dân khắp nơi hành hương về tháp Bà để cảm tạ ơn Mẫu và cầu xin Mẫu ban cho có sức khỏe, làm ăn được no đủ, tránh mọi tai ương, bệnh tât… Từ những người mẹ bao dung, tần tảo, đôn hậu trong mỗi gia đình, người dân Khánh Hòa đã tái tạo hình ảnh người Mẹ chung của cộng đồng, một người Mẹ tinh thần giúp con dân mạnh mẽ và có niềm tin để vượt qua những khó khăn, lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống ấm no,hạnh phúc.

Nét đặc sắc nhất ở lễ hội tháp Bà ngày nay còn được mọi người nhắc đến và quan tâm chính là điệu múa Bóng. Điệu múa đã được gắn với địa danh đi vào lịch sử với tên gọi xóm Bóng, cầu Xóm Bóng và đi vào thơ ca, nằm sâu trong tiềm thức nhiều người:

Ai về xóm Bóng quê nhà
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?
Thể thường tre lụy còn măng
Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành…

Về hình thức múa Bóng, còn được gọi là múa Dâng bông, tức là người ta kết hoa thành mâm hay hình tháp rồi đội lên đầu và múa. Nhưng cái tài tình của người vũ công là thân hình lắc lư, tay múa và chân nhảy theo điệu nhạc nhưng những bông hoa không hề bị rơi xuống đất. Mô tả về múa Bóng, Quách Tấn đã từng viết: “Người múa toàn là con gái. Áo xiêm rực rỡ; đầu đội, người cỗ hoa tươi, kẻ đèn lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp. Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, đoanh lộn nhịp nhàng dưới ánh đuốc ánh đèn hừng hẫy. Họ múa rất khéo và rất tài. Chẳng những đôi tay đôi chân luôn luôn cử động, vừa dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn luôn ngửa nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay không hề dịch, dường như có những bàn tay vô hình nâng đỡ. Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục”[1].

Ngày nay, các đoàn về dự lễ hội, sau khi dâng lễ sẽ tham gia múa Bóng ở tháp Bà Pô Nagar, những điệu múa Bóng đã ít nhiều bị ảnh hưởng của Đạo giáo dân gian.

Đối với múa Bóng của người Chăm: “Trình thức này[2] có phần múa là đặc biệt của Shiva giáo. Trong ba vị thần Tân Bàlamôn chỉ có Shiva là thần múa với điệu múa thiêng nổi tiếng và có tướng múa. Hiện nay, trong các lễ hội Chăm tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận như các lễ Rija, Katê đều có múa. Khi mời vị thần nào thì hát bài thánh ca và múa điệu múa riêng cho vị thần đó. Người múa là bà Bóng, ông Kain của Ahier hay ông vũ sư Acar trong Aval[3]. Tư liệu xưa về xóm Bóng bên cầu Hara cạnh Tháp Bà ở Nha Trang ghi nhớ sự có mặt của một đội ngũ múa Bóng chuyên nghiệp – Bà Bóng tức Muk Pajơw – múa hầu Shiva và sakti. Nhưng khi dịch Muk Pajơw (có khi viết Mưk Pajau) thành Bà Bóng thì đã diễn đạt theo Đạo giáo dân gian. Tư liệu về lễ hội Chăm Ninh Thuận – Bình Thuận hiện nay thì người múa đã có thể là người Ahier hay người Aval và trong múa thiêng đã có dấu ấn lên đồng của Đạo giáo dân gian. Còn trong các nghi lễ có thêm vẽ bùa yểm trấn, dùng hình nhân thế mạng thì ảnh hưởng Đạo giáo càng rõ rệt. Đạo giáo dân gian hội nhập vào Tân Bàlamôn giáo và Bàni giáo là hiện tượng muộn”[4].

Ghi nhận những giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở di tích Tháp Bà Nha Trang, năm 2012, lễ hội Tháp Bà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Tháp Bà là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm trong lịch sử. Thông qua lễ hội, du khách trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử, về những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất Khánh Hòa.
      

Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh

[1] Quách Tấn (2002) (tái bản), Xứ Trầm hương, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa.
[2] Các nghi lễ của người Chăm.
[3] Ahier: Trước – Bàlamôn giáo;  Aval: Sau – Bàni giáo.
[4] Nguyễn Duy Hinh (2010), Người Chăm – Xưa và Nay, Nxb Từ điển Bách Khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội.